Vì sao lắng nghe là một kỹ năng “khó nhằn”?
Lắng nghe không chỉ đơn giản là “nói và nghe”, mà nó khó hơn những gì chúng ta tưởng và rất ít người có thể làm tốt việc này.
Về cơ bản, chúng ta suy nghĩ nhanh hơn nói. Hầu hết người Mỹ có tốc độ nói trung bình chỉ khoảng 125 từ một phút, tốc độ này là “rùa bò” so với não bộ vốn được cấu thành từ hơn 13 tỉ tế bào và có cơ chế hoạt động phức tạp đến mức các máy tính hiện đại cũng phải chào thua. Sự chậm chạp này khiến người nghe có dư dả thời gian để suy nghĩ về những thứ khác, và trong vô thức xen lẫn chúng vào những gì họ đang nghe được. Trong những phút xao lãng, họ đã bị người nói bỏ xa và khó nắm bắt được những thông điệp của đối phương. Khi đó, họ càng dễ trở nên lơ đễnh và bỏ ngoài tai ngày càng nhiều lời của người nói.
Tuy nhiên, việc làm chậm tốc độ suy nghĩ để ngang với tốc độ nói lại là một “nhiệm vụ bất khả thi”. Vì vậy, một giải pháp để giúp mọi người lắng nghe tốt hơn là chỉ họ cách sử dụng những khoảng thời gian rãnh trong não bộ được tạo nên trong quá trình lắng nghe một cách hiệu quả.
Lắng nghe hiệu quả như thế nào?
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có khả năng lắng nghe tốt thường tập trung tối đa những suy nghĩ của mình để tiếp nhận những lời nói, và giảm tối thiểu khoảng thời gian dành cho những suy nghĩ “lạc đề.” Cuốn sách “Listening to People” của Ralph Nichols và Leonard Stevens chỉ ra 4 hoạt động trong quá trình lắng nghe của họ:
1. Dự đoán trước hướng phát triển của cuộc nói chuyện và những kết luận có thể rút ra từ nó.
2. Cân nhắc những dẫn chứng do người nói đưa ra: liệu đây có phải là những dẫn chứng hoàn chỉnh và có giá trị không?
3. Xem lại và tổng hợp những điểm người nói đưa ra.
4. Chú ý đến ngôn ngữ không lời thông qua nét mặt, cử chỉ và giọng điệu của đối phương để rút ra những thông điệp không được truyền tải.
Lắng nghe với một tâm trí cởi mở
Chúng ta thường bắt đầu cuộc nói chuyện với những mục tiêu, sự trông đợi cũng như kết quả đã có sẵn trong đầu, và chỉ nghe một cách chọn lọc những điều phù hợp với suy nghĩ định trước của mình. Ví dụ, khi muốn bán hàng, chúng ta chỉ nghĩ đến việc làm sao kết thúc cuộc nói chuyện và bán được hàng. Thay vì chú ý đến lời nói của đối phương, chúng ta thường xen lẫn cảm xúc của mình vào đấy và chỉ nghe những gì mà mình mong đợi hơn là những gì đang được nói.
Kỹ năng lắng nghe hiệu quả
Điểm mấu chốt của kỹ năng lắng nghe là gạt bỏ những định kiến, khuôn mẫu và mong muốn cá nhân để trải nghiệm tốt nhất thế giới của người nói từ quan điểm của họ. Dưới đây là những kỹ thuật có thể giúp cải thiện kỹ năng lắng nghe hiệu quả:
1. Phương pháp “Người đến từ hành tinh xa”
Chuyên gia về giao tiếp Elaine Zuker cho biết nếu chúng ta tiếp cận một người với giả định rằng mình chỉ vừa đáp xuống hành tinh của họ và đang thu thập thông tin, ta sẽ giảm bớt được những định kiến và sự trông đợi để toàn tâm toàn ý tiếp nhận những thông tin từ người nói.
Bên cạnh đó, thu thập thông tin một cách đơn thuần mà không đánh giá chúng sẽ giúp ta lắng nghe và hiểu chúng rõ hơn. Hãy tưởng tượng bạn sẽ phải báo cáo mọi thứ mà bạn đã thu thập được khi trở về hành tinh của mình. Việc này sẽ giúp bạn cảm thấy những thông tin này rất quan trọng và tập trung mọi chú ý vào chúng.
2. Phương pháp “Tìm kiếm những bằng chứng chống lại cảm xúc cá nhân”
Học cách để xóa bỏ định kiến trong khi lắng nghe rất quan trọng. Hầu hết chúng ta tự động có những phản ứng về mặt cảm xúc đối với người nói và lời nói của họ. Chúng ta thường tìm những bằng chứng ủng hộ cho cảm xúc của mình, nên ta chỉ nghe những từ ngữ giúp củng cố những gì ta nghĩ. Việc phát triển kỹ thuật tìm kiếm những bằng chứng chống lại những phản ứng cảm xúc đầu tiên của mình sẽ giúp ta lắng nghe tốt hơn những gì đang được nói. Ban đầu, đây không phải là công việc dễ dàng do bản năng chúng ta thiên về tìm kiếm những gì ủng hộ cho niềm tin của mình, nhưng kỹ thuật này sẽ rất hữu ích để hiểu rõ những khác biệt trong cách nhìn nhận của đối phương và giảm bớt được nguy cơ bỏ lỡ những điều người nói muốn truyền tải.
3. Phương pháp “Lắng nghe ý tưởng thay vì sự việc”
Việc lắng nghe bề nổi của một cuộc hội thoại dễ dàng hơn so với việc đào sâu để hiểu rõ những ẩn ý mấu chốt bên trong. Mọi người muốn truyền tải ý kiến của mình hơn là những sự việc, nhưng chúng ta lại thường hay chú ý đến những dữ liệu này và bỏ quên những ẩn ý đằng sau chúng. Nắm bắt ý tưởng là một kỹ năng mà người lắng nghe giỏi cần tập trung phát triển. Sự việc dù quan trọng cũng chỉ là một điều thứ yếu dùng để làm ví dụ hay dẫn chứng cho các ý tưởng. Một khi chúng ta đã hiểu được ý tưởng, việc nắm bắt những sự việc sẽ trở nên dễ dàng.
Khi chúng ta đã tự rèn luyện được cách lắng nghe cẩn thận, ta sẽ nghe thấy những gì mà trước đây chúng ta đã bỏ qua. Khi đó, mọi người sẽ trở nên thú vị, lôi cuốn hơn và ta sẽ dễ dàng phát triển những mối quan hệ tốt đẹp hơn với họ.
Nguồn: VNW