Bản lĩnh người làm nghề Callcenter

Tin công nghệ

“Nghề nghe chửi” là cái tên “nôm” do chính những người làm nghề đặt ra cho bộ phận trả lời điện thoại của các công ty cung cấp dịch vụ mạng, trò chơi, viễn thông… Nếu không gặp sự cố, có lẽ chẳng ai muốn bấm điện thoại để gọi đến call-center. Mỗi khi như thế, người gọi luôn mang một tâm lý bức xúc và coi người nhận điện thoại ở đầu dây bên kia “chắc chắn là đại diện của bên gây ra lỗi lầm” và đương nhiên nội dung của những cuộc trò chuyện sẽ mang đầy sắc thái của sự bức xúc cần được giải tỏa… Nghề Callcenter không hề đơn giản mà cần một bản lĩnh làm nghề “làm dâu trăm họ”.

Chai lỳ cảm xúc

Nhân viên làm việc ở các tổng đài điện thoại có vô vàn những “rối loạn” cần phải trải qua. “Bệnh nghề nghiệp mà chúng tôi hay mắc nhất là sợ. Dân Call Center sợ rất nhiều thứ như sợ nghe tiếng chuông điện thoại, sợ phải cầm điện thoại, sợ cả cái màn hình vi tính”, Trí nói. “Trong giờ làm việc, vào nhà vệ sinh thư giãn mà có điện thoại gọi đến di động là thỉnh thoảng chúng tôi cũng như một cái máy, áp sát vào tai và miệng thì dõng dạc ‘Hỗ trợ khách hàng Vietnamobile số 23 xin nghe’… nghe đầu kia nói ‘Trí à, má đây’ vẫn lắp bắp, ‘Xin lỗi, sao cơ ạ?’. Đó là những tình huống mà hầu như nhân viên trực điện thoại nào cũng mắc phải vài lần”.

Dù đã được chuẩn bị tâm lý rất tốt qua các khóa đào tạo và qua cả kinh nghiệm làm nghề, nhưng nước mắt là thứ có thể… đong được đối với nhân viên Call Center, đặc biệt là từ những cô gái trót mang cái duyên với nghề.

“Có lần khách hàng gọi lên không chửi thề, không tục tĩu gì hết, chỉ nói những câu làm mình đuối lý không thể giải thích được gì hơn. Cuối cùng khách hàng nói: ”Anh biết em cũng chỉ là nhân viên mà thôi, nhưng anh không nghĩ ba mẹ em có em ăn học để đi làm cái nghề nghe người ta chửi rồi cúp máy”. Nước mắt tôi tự nhiên tuôn ra như mưa. Những đồng nghiệp xung quanh biết chuyện cũng chỉ mỉm cười và nói: ‘Công việc mình như vậy rồi, đừng buồn mà hãy lấy đó để cố gắng hỗ trợ khách hàng tốt hơn và không chửi mình nữa’. Đó là kỷ niệm của ngày mới vào nghề của tôi. Bây giờ thì quen rồi, chúng tôi hiểu được cái khó của nghề, và là cái nghiệp của mình nên chỉ biết vượt qua và bước tới”, Vy kể lại một trải nghiệm.

“Áp lực đến nỗi ngất đi thì chưa thấy, nhưng việc chị em bật khóc thì thường xuyên diễn ra, rồi khản tiếng, bức xúc xin nghỉ phép, sợ đến nỗi muốn trốn việc, một ngày đi toilet đến hơn chục lần chỉ vì liên tục uống mười mấy ly nước để giảm căng thẳng bởi hầu hết khách hàng khi bức xúc đều không còn hiền nữa, có người còn lôi cả cha chú cô dì ra để chửi… dù trước khi mào đầu, họ đều nói trước ‘xin lỗi em, anh không nói em, mà anh nói bên kỹ thuật cơ’. Nhận khoảng 10 cuộc gọi liên tục như thế có thể đã khiến thần kinh người nghe không còn đủ tỉnh táo để giải quyết chu đáo nữa rồi”, một người quản lý của trung tâm cho biết.

Trái ngọt từ những vấp ngã của nghề bị chửi

Chính trong những thử thách khó khăn của nghề, mỗi lần gỡ rối được vấn đề của khách hàng là mỗi lần người trực điện thoại lại tìm thấy cho mình niềm hạnh phúc – niềm hạnh phúc đến từ chính những người… hay trút bức xúc vào tai họ.

“Cách đây không lâu, có một khách hàng bị mất nhân vật trong trò chơi online và gọi lên nhờ Call Center của VIETNAMOBILE phục hồi. Tôi chỉ làm theo quy trình là tiếp nhận yêu cầu của khách hàng và gửi đến bên kỹ thuật của game” – Vy kể – “3 ngày sau, một đồng nghiệp báo có khách hàng muốn tìm bằng được tôi. Khi tôi nghe máy, người khách đó trò chuyện với tôi như thể với người bạn tri kỷ vậy, anh ấy cảm ơn vì nhân vật trong game đã được phục hồi, rồi kể về quá trình chơi game, kể về tâm huyết anh dành cho nhân vật đó, vì sao anh đặt tên cho nhân vật đó và về cả chuyện nếu mất nhân vật chắc anh không sống nổi. Điều đó làm tràn ngập trong tôi cảm giác tự hào, hãnh diện dù tôi chỉ làm công việc là báo cho kỹ thuật chứ tôi đâu có giúp trực tiếp khách hàng. Niềm vui đó chính là những gì nuôi dưỡng chúng tôi tiếp tục với nghề”.

Chẳng được cảm ơn, nhưng niềm vui mà Trí có được cũng không hề kém nồng ấm so với câu chuyện của Vy. Theo lời kể của Trí, có lần cả đội của anh tối nào nào cũng bị một em bé “khủng bố” qua điện thoại. Trong suốt hơn 10 ngày, ngày nào cũng đều đặn vào khoảng 6h tối là em bé lại gọi đến và tìm cách trò chuyện với nhân viên call center không dưới 30 phút đồng hồ. Điều đáng nói nằm ở chỗ, những câu hỏi của bé rất dễ thương nhưng lan man, hỏi hết mọi thứ từ chương trình TV, phim hoạt hình, truyện tranh… nhưng tuyệt nhiên không liên quan gì đến game.

“Em bé đó lần lượt nói chuyện với tất cả các nhân viên của Trí, ai cũng sợ và cuối cùng chuyển của cho tôi”, Trí nói. “Tỉ tê một lúc tôi biết hóa ra cậu bé đó phải ở nhà một mình. Ba má đi làm tối hết nên bé buồn và bấm điện thoại chỉ để được nói chuyện. Thế là tôi an ủi bé là các anh chị trực điện thoại đều bận hết, nên không có thời gian nói chuyện với bé và dạy bé cách chat qua mạng. Thế là em bé từ đó không khủng bố điện thoại nữa mà chỉ thỉnh thoảng tán gẫu với các anh chị em trong nhóm qua Yahoo thôi. Cả nhóm không bị ‘khủng bố’ nữa mà em bé có thêm rất nhiều người bạn sẵn sàng tư vấn mọi thứ cho em khi cần”.

Ở Việt Nam hiện nay, hầu như hãng cung cấp dịch vụ nào cũng đã có trung tâm trả lời điện thoại. Nghề trực tổng đài đang ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong vai trò chăm sóc khách hàng của các chiến lược kinh doanh. Nhưng có lẽ phải còn rất lâu nữa, khái niệm “nghề nghe chửi” mới bị lãng quên để thay bằng những cụm từ… dễ nghe hơn trong từ điển tiếng Việt.

Tin chuyên ngành hot

Tin Tức Liên Quan

Menu